Trong phiên chứng khoán rơi 12,5 điểm, cổ phiếu VNG giảm 15% về giá sàn, nhiều mã ngành bảo hiểm diễn biến xấu khi phải bồi thường sau bão Yagi.
VN-Index mở cửa trong sắc xanh khi lực mua xuất hiện từ sớm nhưng dòng tiền mỏng khiến chứng khoán chỉ tăng nhẹ. Đến 10h30, lực bán trở lại áp đảo đẩy chỉ số chung về dưới tham chiếu, tuy nhiên không giảm quá sâu. Thị trường giao dịch trong tâm thế thăm dò là chủ yếu.
Sang buổi chiều, các bên bán chủ động bắt đầu xả hàng mạnh hơn khiến chỉ số của sàn HoSE liên tục giảm. Thanh khoản bắt đầu tăng tốc sau 14h cũng là lúc thị trường chìm sâu trong sắc đỏ. Có thời điểm, chỉ số chung sụt hơn 16 điểm so với tham chiếu.
Cải thiện nhẹ những phút cuối phiên, VN-Index đóng cửa trên 1.255,2 điểm, hạ 12,5 điểm. Toàn sàn HoSE có 320 cổ phiếu giảm giá, áp đảo so với 94 mã tăng. Các mã VCB, BID, HPG, TCB, SSB, CTG và VIC là nhóm gây ảnh hưởng xấu nhất đến thị trường.
Sắc đỏ phủ lên VN-Index và xuất hiện ở HNX và UPCoM. Chỉ số đại diện hai sàn này lần lượt giảm 1,8 và 0,7 điểm so với tham chiếu.
Trong đó, VNZ là một trong những cổ phiếu giảm mạnh nhất thị trường. Phần lớn thời gian giao dịch đến lúc chốt phiên, mã chứng khoán của VNG nằm sàn với hơn 11.000 cổ phiếu được sang tay. Ở mức 334.500 đồng một đơn vị, thị giá hiện tại tương đương 30% mức đỉnh hơn 1,1 triệu đồng từng xác lập của VNZ. Sau 4 phiên giảm liên tục, cổ phiếu VNG mất giá hơn 37%, đưa vốn hóa doanh nghiệp hạ về 9.600 tỷ đồng.
Cuối tuần trước, VNG – chủ sở hữu Zalo – bổ nhiệm ông Kelly Wong vào vị trí quyền Tổng giám đốc. Công ty này vừa cho biết ông Lê Hồng Minh vẫn là CEO VNG. Tuy nhiên, trong thời gian này, ông Minh tạm thời ủy quyền công việc điều hành hàng ngày của công ty cho ông Kelly Wong.
Xét theo ngành, bảo hiểm là một trong những nhóm có diễn biến xấu nhất thị trường. Hai mã có thanh khoản tốt nhất là BVH và PVI lần lượt giảm 1,6% và 2,4%. Một số cổ phiếu quen thuộc trong ngành như MIG, BIC, PTI cũng sụt quanh 1-4,6%.
Diễn biến trên phản ánh tâm lý lo ngại của nhà đầu tư về việc bão Yagi giáng đòn mạnh lên kết quả kinh doanh ngành bảo hiểm. Theo đề nghị của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), các doanh nghiệp chủ động xác định thiệt hại về người và tài sản, tạm ứng, bồi thường và trả tiền bảo hiểm kịp thời cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng. Trước mắt, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành cho biết số tiền bồi thường thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng ở mỗi hãng.